Trường Pháp ở Việt Nam (1945-1975)
Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóaGiải thưởng
- Giải thưởng Lịch sử Giáo dục Robert Mallet 2015 (lien)
- Giải thưởng Louis Cros 2018 (lien) (liste des prix)
Các bài báo về cuốn sách
Trường Pháp ở Việt Nam (1945-1975) : từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa, NXB Encrage, 2017
Công trình này làm sống lại câu chuyện dài kỳ về trường Pháp tại Việt Nam từ 1945 đến 1975, mở ra cánh cửa cho một lịch sử còn nhiều khuất lấp. Trong ba thập niên, hàng ngàn học sinh Việt theo học chương trình giảng dạy bằng tiếng Pháp tại các trường Pháp danh tiếng có từ thời thuộc địa. Đây vốn được coi như những thành trì kiến thức và chốn bình an, hứa hẹn đem lại cho học sinh một tương lai đích thực trong một đất nước chìm trong chiến tranh.
Trong công trình nghiên cứu thu thập vừa phong phú các tư liệu lưu trữ (từ ba nguồn Pháp, Mỹ và Việt Nam) vừa mới lạ về lời chứng (văn bản và phỏng vấn) của hơn 100 cựu học sinh và giáo viên, Nguyễn Thụy Phương đã làm sáng tỏ bối cảnh chính trị và sự biến chuyển tư tưởng, những yếu tố định hình và thiết lập nên hệ thống trường Pháp giai đoạn hậu thuộc địa đầy biến động tại Việt Nam. Tác giả phác họa một cách tinh tế làm thế nào mà « sứ mạng khai hóa » của Pháp biến hóa thành ngoại giao văn hóa trong bối cảnh đầy thách thức, đối diện với sự nắm quyền của chính quyền Cộng sản ở miền Bắc và sự can thiệp sâu rộng của Mỹ ở miền Nam.
Lịch sử về hệ thống trường Pháp thuyết phục người đọc khi cho phép họ tiếp cận từ cả hai phía : nhìn từ trên xuống (thông qua các văn khố chính sách, thiết chế, quản lý còn được lưu giữ) và nhìn từ dưới lên (thông qua hồi ức của giáo viên, học sinh, những tác nhân làm nên đời sống học đường). Cuốn sách mô tả một cách sinh động một thế giới học đường đa văn hóa, phức hợp và đứt gãy, đã để lại dấu ấn sâu đậm lên nhiều thế hệ học sinh mà độc giả hãy còn cảm nhận được khi tiếp cận ký ức được tác giả thuật lại.
Cuốn sách này của một nhà nghiên cứu trẻ tài năng đã cho thấy trong một thế giới bị đảo lộn bởi giải thuộc địa, giáo dục nằm ở tâm điểm của những toan tính chính trị, ngoại giao, văn hóa và sự gìn giữ bản sắc. Một câu chuyện đáng để khám phá và suy ngẫm ở kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Rebecca Rogers, Giáo sư Sử học, Đại học Paris, Cựu Chủ tịch International Standing Conference for the History of Education (ISCHE)